Đến xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, măng nứa Trung Sơn là một trong những đặc sản mà người địa phương đem khoe, thiết khách hoặc làm quà cho những khách quý phương xa.
Nhờ thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp, măng nứa Trung Sơn ở đây ăn giòn, vị ngọt pha lẫn chút đắng nhẹ đọng lại nơi đầu lưỡi mà không phải nơi nào cũng có được.
Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 9 (âm lịch), trong những khu rừng vùng sơn cước xã Trung Sơn, bên cạnh bụi nứa già lại bật lên tua tủa những mầm măng. Những ngày này, đa phần người dân nơi đây đều gác lại các công việc để hái “lộc” rừng.
5h30 sáng, khi bóng tối còn tĩnh mịch, sương sớm se lạnh, cũng như bao người dân khác, ba mẹ con chị Giàng Thị Dung (khu Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) cũng dậy sớm.
Theo chân mẹ con chị Dung, phóng viên cũng len lỏi qua những con đường mòn trơn trượt, cây cỏ rậm rạp, còn ướt đẫm nước do trận mưa đêm trước còn sót lại. Trên đường, hàng đoàn người vui vẻ trò chuyện, phăng phăng bước đi. Lấp ló trong đoàn là những đứa trẻ thấp bé, gầy queo cũng đeo gùi theo người lớn vào rừng.
“Đây, con lớn của tôi tên Lý Thị Vân đang học lớp 3 và Lý Thị Dợ đang học lớp 1 ở điểm trường khe Nhồi, xã Trung Sơn. Đợt này đang nghỉ hè và vướng dịch nên cũng phải theo mẹ vào rừng hái măng để bán…”, chị Dung cho biết.
Theo chị Dung, không chỉ con chị mà đa phần những đứa trẻ con ở đây, đến vụ măng, cũng là lúc được nghỉ hè nên đều theo người lớn vào rừng… kiếm cái ăn, kiếm tiền đóng học…
Đi gần 1 tiếng đồng hồ trên đường mòn, mẹ con chị Dung bắt đầu leo xuống sườn đồi. Mọi người cũng bắt đầu hướng mắt tập trung, lâu lâu lại vén lá và thảm mục, dùng tay bẻ hoặc dùng dao để cắt những ngọn măng, bóc vỏ, bỏ vào chiếc gùi sau lưng.
Những đứa trẻ dù nhỏ bé, quần áo lấm lem bùn đất, gương mặt đỏ ửng, phờ phạc, ướt đẫm mồ hôi, nhưng đôi tay lại thoăn thoắt, thuần thục bẻ măng, bóc vỏ, chẳng kém gì người lớn.
Mùa măng rừng hằng năm chính là nguồn thu nhập chính trong năm, nên đây là thời gian được người dân ngóng chờ nhất. Cả năm chỉ được một vài tháng hái “lộc” rừng, bởi vậy ai cũng cố gắng bẻ được nhiều măng nhất, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
“Măng nứa Trung Sơn mọc tự nhiên trong rừng, thời điểm thu hoạch nhiều măng nhất là khoảng tháng bảy, tháng tám. Nhà nào đông người đi bẻ, mỗi ngày có thể thu về cả tạ măng tươi. Giá thì tùy vào thời điểm nhưng thường dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/kg”, chị Dung vừa hái măng vừa nói.
12 giờ trưa, khi những gùi măng của ba mẹ con chị Dung đã đầy thì cũng là lúc mẹ con chị xuống núi, về nhà. Cả gùi măng đầy, cộng với cái nắng của ngày hè khiến đôi vai của mẹ con chị Dung như trùng xuống, mồ hôi ướt đẫm áo.
Về đến nhà, đặt gùi măng xuống góc sân, cũng là lúc ba mẹ con đã mệt nhoài. Sau ít phút chuẩn bị, gia đình chị lại ăn vội bữa trưa rồi chuẩn bị công việc liên quan đến măng.
“Khi hái măng về, chúng tôi sẽ rửa sạch, cho vào nồi luộc qua rồi cho vào nước lạnh ngâm, như thế mới giữ được lâu ngày mà không cần thuốc bảo quản. Ngoài việc bán măng tươi, người dân nơi đây còn có bí quyết riêng để làm măng khô. Làm măng khô sẽ giữ được cả một đến vài năm. Chờ đến dịp lễ, Tết thì bán, giá trị kinh tế cũng cao hơn.